Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Sơ lược về hóa học vỏ Trái Đất và khai thác tài nguyên từ vỏ Trái Đất SVIP
I. Nguyên tố hóa học trong vỏ Trái Đất
1. Hàm lượng của một số nguyên tố hoá học trong vỏ Trái Đất
Vỏ Trái Đất được tạo thành từ các đơn chất và hợp chất của các nguyên tố hoá học. Dưới đây là hàm lượng hay phần trăm khối lượng của 10 nguyên tố hoá học phổ biến trong vỏ Trái Đất.
Nguyên tố | %khối lượng | Nguyên tố | %khối lượng |
O | 46,10 | Na | 2,36 |
Si | 28,20 | Mg | 2,33 |
Al | 8,23 | K | 2,09 |
Fe | 5,63 | Ti | 0,56 |
Ca | 4,15 | H | 0,14 |
Hai nguyên tố oxygen và silicon có hàm lượng cao hơn hẳn so với các nguyên tố còn lại.
2. Dạng chất trong vỏ Trái Đất
Trong vỏ Trái Đất, các nguyên tố hoá học thường tồn tại ở dạng oxide và muối.
Ví dụ:
- Các oxide như: SiO2, Al2O3, Fe2O3, TiO2,...
- Các loại muối đơn giản gồm silicate (như CaSiO3, Ca2SiO4); carbonate (như CaCO3, MgCO3); sulfate (như CaSO4, BaSO4); sulfide (như ZnS, CuS);...
Oxide và muối là thành phần chính của các khoáng vật tạo nên đá, cát,...
Một số ít nguyên tố hoá học còn tồn tại cả ở dạng đơn chất. Chẳng hạn, đơn chất carbon trong than, đơn chất lưu huỳnh trong khoáng vật lưu huỳnh.
Một số nguyên tố như vàng (Au) và platinum (Pt) chủ yếu tồn tại dạng đơn chất trong các khoáng vật tự nhiên.
II. Khai thác tài nguyên trong vỏ Trái Đất
1. Lợi ích của việc khai thác tài nguyên trong vỏ Trái Đất
Tài nguyên trong vỏ Trái Đất gồm đá, cát, đất, than, dầu mỏ, khí mỏ dầu, khí thiên nhiên và các chất có ích khác.
Tài nguyên trong vỏ Trái Đất là nguồn cung cấp vật liệu, nguyên liệu và nhiên liệu quan trọng cho con người.
- Cung cấp vật liệu cho ngành xây dựng. Tài nguyên thường được sử dụng làm vật liệu là cát, đá,...
- Cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp hoá chất, ngành công nghiệp silicate, ngành sản xuất phân bón, ngành công nghiệp luyện kim,... Ví dụ, khoáng vật lưu huỳnh là nguyên liệu để sản xuất sulfuric acid, cát trắng là nguyên liệu để sản xuất thuỷ tinh.
- Cung cấp nhiên liệu (than mỏ, dầu mỏ, khí thiên nhiên,...) để tạo ra năng lượng phục vụ cho các quá trình sản xuất và quá trình sinh hoạt của con người.
- Đất trên bề mặt vỏ Trái Đất là môi trường tồn tại và phát triển của sinh vật.
Đối với con người, hoạt động khai thác tài nguyên giúp phát triển nền kinh tế và các quan hệ xã hội: hình thành cộng đồng dân cư, tạo lập các quan hệ xã hội thông qua quá trình hợp tác khai thác, sản xuất, trao đổi sản phẩm, kinh doanh, giao lưu văn hoá,...
2. Lợi ích của việc tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên trong vỏ Trái Đất
Nguồn tài nguyên trong vỏ Trái Đất được khai thác qua hàng ngàn năm nên ngày càng cạn kiệt. Quá trình khai thác tài nguyên cũng gây ô nhiễm môi trường, làm thay đổi môi trường sống của sinh vật.
Việc sử dụng các vật liệu được chế tạo lại từ các vật liệu hỏng, cũ hoặc phế thải (vật liệu tái chế); sử dụng ethanol, hydrogen,... làm nhiên liệu thay thế than, dầu mỏ,...; sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió,... (năng lượng tái tạo);... đều góp phần vào việc tiết kiệm được tài nguyên.
1. Vỏ Trái Đất được tạo bởi nhiều nguyên tố hoá học, phổ biến nhất là oxygen và silicon.
2. Trong vỏ Trái Đất, các nguyên tố hoá học chủ yếu tồn tại dạng oxide và muối, một số ít nguyên tố có dạng tồn tại là đơn chất.
3. Tài nguyên trong vỏ Trái Đất bao gồm đá, cát, đất, than, dầu khí, khí mỏ dầu, khí thiên nhiên,... và các khoáng vật khác. Chúng là nguồn vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu cho hoạt động của con người.
4. Tiết kiệm tài nguyên (khai thác và sử dụng phù hợp; sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu thay thế,...) và bảo vệ tài nguyên để giữ được sự cân bằng của tự nhiên và sự phát triển bền vững của xã hội.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây